Chi tiết tin

Tăng cường công tác phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý các hành vi xâm hại tình dục trẻ em trên địa bàn tỉnh

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi xâm hại tình dục trẻ em trên địa bàn tỉnh, vừa qua, Ban Chỉ đạo 138 tỉnh (do ông Đặng Minh Thông - Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban) đã ban hành văn bản đề nghị các sở, ban, ngành, thành viên Ban Chỉ đạo 138 tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và Đoàn thể, Ban Chỉ đạo 138 các huyện, thị xã, thành phố tập trung thực hiện một số nội dung sau:

1. Chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các quy định của pháp luật về giáo dục, bảo vệ và chăm sóc trẻ em; đẩy mạnh công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật nói chung, công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm xâm hại tình dục trẻ em nói riêng; phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn dân trong phòng, chống, trấn áp tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, góp phần giữ vững kỷ cương pháp luật, bảo đảm an ninh, trật tự, tạo môi trường ổn định, an toàn, lành mạnh để trẻ em phát triển đầy đủ nhân cách, tâm sinh lý, thể chất, trí tuệ, tài năng. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực gắn với công tác bảo đảm an ninh trật tự, phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội. Nâng cao trình độ dân trí, bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết việc làm, đầu tư phát triển cho khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, kéo giảm khoảng cách, trình độ phát triển giữa khu vực thành thị và nông thôn, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Tăng cường chăm lo cho thế hệ trẻ em, học sinh, sinh viên. Xây dựng đời sống văn hóa, văn minh ở cơ quan, đơn vị, trường học và khu dân cư nhằm hạn chế, loại bỏ nguyên nhân, điều kiện xảy ra tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, kiên quyết ngăn chặn, không để văn hóa phẩm đồi trụy xuất hiện tràn lan, gây ảnh hưởng xấu đến quá trình phát triển nhân cách, tâm sinh lý của trẻ, gây hệ lụy đến thế hệ tương lai của tỉnh, của đất nước.

Xác định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm và nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, địa phương, nhất là giữa đoàn thể, gia đình và nhà trường trong phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em; thực hiện hiệu quả các mô hình phòng, chống tội phạm ở địa bàn cơ sở để làm tốt công tác phòng ngừa tội phạm xâm hại tình dục trẻ em “từ sớm, từ xa, từ cơ sở". Thực hiện có hiệu quả các cơ chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể trong công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội.

2. Công an tỉnh

a) Tham mưu, đề xuất Ban Chỉ đạo 138 tỉnh hướng dẫn các thành viên Ban Chỉ đạo 138 tỉnh tăng cường triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa tình trạng xâm hại trẻ em, chú trọng công tác phòng ngừa xã hội, phòng ngừa từ gia đình, nhà trường, từ cơ sở để tạo "lá chắn thép" an toàn, giúp bảo vệ trẻ em, học sinh trước những tác động tiêu cực của đời sống.

b) Chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tăng cường phối hợp tuyên truyền, phổ biến nguyên nhân, điều kiện và hậu quả, hệ lụy của tình trạng xâm hại tình dục trẻ em. Hướng dẫn cách nhận biết, xử lý một số tình huống xâm hại tình dục trẻ em, góp phần nâng cao ý thức cảnh giác, phòng ngừa cho gia đình, nhà trường, cán bộ làm công tác trẻ em ở cơ sở và cho chính bản thân của trẻ. Tăng cường năng lực cho Công an cấp xã để làm tốt công tác nắm tình hình, quản lý địa bàn, phối hợp quản lý, giáo dục, răn đe các đối tượng có điều kiện, khả năng thực hiện hành vi xâm hại tình dục trẻ em.

c) Tăng cường phối hợp nắm tình hình, quản lý các trang mạng xã hội có nội dung tuyên truyền, cổ súy các hành vi dâm ô, đồi trụy, trái đạo đức, thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật; chủ động phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn hành vi lợi dụng không gian mạng để phát tán các loại "phim đen", clip có nội dung khiêu dâm núp bóng dưới mác 18+; các đường dây mua bán dâm trên môi trường mạng; thu thập, phân tích dữ liệu, chứng cứ phục vụ điều tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hành vi xâm hại trẻ em.

d) Nâng cao chất lượng công tác phối hợp liên ngành, trao đổi thông tin liên quan đến phòng, chống xâm hại trẻ em; phối hợp giúp đỡ những trẻ bị xâm hại tình dục để các em vượt qua di chứng, sớm ổn định tâm lý, đi học, sinh hoạt bình thường.

đ) Làm tốt công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm nói chung, tội phạm xâm hại tình dục trẻ em nói riêng. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng xử lý nghiêm các vụ xâm hại tình dục trẻ em, đảm bảo tiến hành các hoạt động tố tụng đúng theo quy định của pháp luật đối với người chưa thành niên.

3. Sở Giáo dục và Đào tạo

a) Chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường thực hiện nghiêm bộ Quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục; thường xuyên giáo dục đạo đức, lối sống, ý thức chấp hành pháp luật, kỹ năng sống, kiến thức văn hóa ứng xử lành mạnh, văn minh cho cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, người học. Đẩy mạnh thực hiện kế hoạch hành động phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em trong các cơ sở giáo dục giai đoạn 2020-2025 (theo Quyết định số 987/QĐ-BGDĐT ngày 17/4/2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo); xây dựng và bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; tăng cường công tác giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản, tình cảm yêu đương nam nữ phù hợp với đặc điểm, tâm sinh lý của từng lứa tuổi học sinh; chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và kịp thời hỗ trợ can thiệp đối với những học sinh bị bạo lực, xâm hại tình dục trong các cơ sở giáo dục.

b) Chủ động lồng ghép giáo dục, trang bị kiến thức, rèn luyện kỹ năng tư vấn tâm lý, kỹ năng ứng phó bạo lực, xâm hại tình dục học đường. Tăng cường tổ chức các hoạt động ngoại khóa thực tế, hoạt động thiện nguyện, hoạt động vì cộng đồng để các em tích cực tham gia, dần dần hình thành nhân cách lành mạnh, hướng thiện và sống có ích. Phối hợp tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật cho người học, cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên trong các cơ sở giáo dục, gia đình người học về mối nguy hiểm và hậu quả của bạo lực, xâm hại tình dục học đường, trách nhiệm phát hiện, thông báo, tố giác và ngăn chặn khi có hành vi bạo lực, xâm hại tình dục xảy ra trong học đường.

c) Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội để tạo “tấm lưới” an toàn giúp bảo vệ học sinh trước những tác động tiêu cực của đời sống, nhất là trước các văn hóa phẩm đồi trụy, độc hại trên môi trường mạng; kịp thời nắm bắt tâm lý, những biểu hiện bất thường của các em học sinh để tìm hiểu, tháo gỡ, giải quyết triệt để; phối hợp tìm hiểu nguyên nhân, hạn chế các trường hợp học sinh bỏ học giữa chừng rồi tự do đi chơi, tiếp xúc những thông tin tiêu cực, giao du kết bạn (kể cả trên mạng xã hội) với những thành phần xấu, nảy sinh tình cảm yêu đương nam nữ rồi quan hệ tình dục.

4. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh

Thực hiện có hiệu quả Đề án "Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, Nhân dân vùng biên giới, hải đảo"; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật, vận động nhân dân khu vực biên giới, biển đảo tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm, tệ nạn ma túy, chủ động lồng ghép tuyên truyền công tác phòng ngừa tội phạm xâm hại tình dục trẻ em.

5. Sở Tư pháp

a) Tăng cường thực hiện vai trò thường trực Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh trong việc hướng dẫn, giáo dục pháp luật, nhất là các quy định của pháp luật liên quan đến phòng, chống tội phạm bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em, chú trọng đổi mới hình thức và nội dung phù hợp với từng nhóm đối tượng, lứa tuổi để trẻ em, gia đình, nhà trường và xã hội cùng tiếp cận được thông tin đầy đủ về quyền, nghĩa vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em.

b) Chủ động thực hiện trợ giúp pháp lý đối với trẻ em, đặc biệt là trẻ em bị xâm hại tình dục, bảo đảm nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả.

6. Sở Văn hóa và Thể thao

a) Tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa, giữ gìn, phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc, tính nhân văn, nhân đạo, thân thiện của người Việt. Đa dạng các hoạt động văn hóa, thể thao nhằm thu hút đông đảo các tầng lớp Nhân dân tham gia, nhất là tầng lớp thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên; ngăn chặn các loại hình văn hóa phẩm đồi trụy, bạo lực trái với thuần phong mỹ tục.

b) Chủ động phối hợp tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo ưu tiên xây dựng điểm vui chơi, giải trí, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao cho trẻ em cấp xã, nhất là các xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

7. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

a) Phối hợp tăng cường công tác tuyên truyền, phòng chống bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em, bạo lực trên cơ sở giới; kịp thời phối hợp với các ngành, các cấp, chính quyền cơ sở can thiệp, hỗ trợ, tư vấn cho các trẻ bị bạo hành, bị xâm hại, bị bỏ rơi, sử dụng ma túy, rơi vào tệ nạn xã hội,... Tổ chức các hình thức phù hợp để lắng nghe tâm tư, ý kiến, nguyện vọng của trẻ em trong quá trình xây dựng và thực hiện chương trình, chính sách, pháp luật về trẻ em bảo đảm thực chất, hiệu quả.

b) Củng cố, phát triển và nâng cao năng lực của đội ngũ làm công tác bảo vệ trẻ em ở các cấp, nhân viên công tác xã hội, cộng tác viên ở cộng đồng dân cư. Chỉ đạo hệ thống cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em hoạt động hiệu quả, bảo đảm an toàn, thân thiện và phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em.

c) Thường xuyên thanh tra, kiểm tra về trách nhiệm thực hiện quyền trẻ em, chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.

8. Sở Thông tin và Truyền thông

a) Chủ trì triển khai các nội dung liên quan để bảo đảm an toàn thông tin trên mạng, kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn, hạn chế tối đa thông tin xấu, độc, các loại hình văn hóa phẩm đồi trụy, cổ súy hành vi côn đồ, bạo lực, sai lệch chuẩn mực xã hội trên môi trường mạng.

b) Phối hợp các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường mở các chuyên trang, chuyên mục, xây dựng chương trình phát thanh, truyền hình nhằm tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật, kiến thức, kỹ năng, mô hình chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, trách nhiệm của các cấp, các ngành, đoàn thể, nhà trường, gia đình và xã hội về công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.

9. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Bà Rịa - Vũng Tàu

Phối hợp với các cơ quan, tổ chức xây dựng các chương trình, phóng sự, bản tin, bài viết tuyên truyền, giáo dục pháp luật, đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử lành mạnh, văn minh, truyền thống đạo đức dân tộc; cảnh báo về vấn đề bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em, hậu quả, hệ lụy gây ra đối với gia đình, xã hội và bản thân trẻ bị xâm hại; tôn vinh các mô hình, gương điển hình tiên tiến trong công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em.

10. Đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh

Phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra Công an tỉnh trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử tội phạm bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em bảo đảm nghiêm minh, nhằm răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung. Đảm bảo tiến hành các hoạt động tố tụng đúng theo quy định của pháp luật đối với người chưa thành niên.

11. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh, Tỉnh Đoàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh

a) Tăng cường giám sát, phản biện, tham vấn, kiến nghị đối với cơ quan nhà nước trong việc xây dựng, thực hiện đường lối, chính sách, pháp luật, phân bổ nguồn lực đáp ứng quyền của trẻ em theo quy định của pháp luật.

b) Tăng cường quản lý, tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật, đạo đức, lối sống văn hóa trong đoàn viên, hội viên, người lao động và Nhân dân, hướng tới xây dựng xã hội an toàn, lành mạnh, văn minh, văn hóa, con người "chân, thiện, mỹ". Có chính sách hỗ trợ đoàn viên, hội viên phát triển sản xuất, kinh doanh, làm tốt công tác an sinh xã hội, chú trọng tạo việc làm cho người lao động, nhất là tầng lớp thanh thiếu niên vào độ tuổi lao động. Vận động các tầng lớp Nhân dân tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc gắn với cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm, cảm hóa, giáo dục, cải tạo người phạm tội, người sau cai nghiện tại gia đình, cộng đồng dân cư.

c) Phối hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp tăng cường công tác trao đổi, đối thoại, lấy ý kiến, nắm tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân, nhất là những gia đình bị khiếm khuyết (trẻ mồ côi, cha mẹ ly hôn, đi làm ăn xa, có người thân phạm tội, rơi vào tệ nạn xã hội,...), hay xảy ra bạo lực, có con bỏ học sớm, nghiện game, chơi bời, sa vào tệ nạn xã hội, thích tụ tập băng nhóm để có biện pháp tuyên truyền phù hợp; chú trọng xây dựng gia đình văn hóa không có bạo lực, không có hành vi xâm hại trẻ em, không rơi vào tội phạm, tệ nạn xã hội; kịp thời nắm tình hình, tìm hiểu nguyên nhân những gia đình có trẻ đang độ tuổi đi học mà bỏ học giữa chừng để có biện pháp vận động, thuyết phục, để trẻ được đi học bình thường; thường xuyên tuyên truyền, trao đổi với những gia đình có con đang ở độ tuổi đi học, trong đó cha mẹ, ông bà làm gương, quan tâm quản lý, trò chuyện, hỏi han, tâm sự với con cái để trẻ cảm nhận được tình thương ấm áp, truyền thống đạo đức của gia đình, từ đó hình thành nhân cách tốt cho trẻ.

d) Củng cố, phát triển và nâng cao năng lực của đội ngũ làm công tác bảo vệ trẻ em ở các cấp, nhân viên công tác xã hội, cộng tác viên ở cộng đồng dân cư. Chủ động can thiệp kịp thời, hỗ trợ những trẻ bị xâm hại tình dục.

12. Ban Chỉ đạo 138 các huyện, thị xã, thành phố

a) Tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng các chương trình, kế hoạch tổ chức triển khai, thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em bảo đảm hiệu quả, phù hợp với đặc điểm tình hình địa phương, phát huy hiệu quả vai trò của các mô hình phòng, chống tội phạm, tự quản, tự bảo vệ ở cơ sở.

b) Tham mưu chính quyền địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế, văn hóa, đảm bảo an sinh xã hội, giải quyết việc làm cho người đến tuổi lao động gắn với công tác bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội; thực hiện có hiệu quả công tác quản lý, giáo dục đối tượng ở địa bàn cơ sở, nhất là các đối tượng nghiện ma túy ở ngoài xã hội, sau cai nghiện trở về địa phương, đối tượng được áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và quản lý tại gia đình; thực hiện chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự an toàn xã hội; xây dựng xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, khu dân cư, trường học văn minh, an ninh, an toàn, không có bạo lực, không có có tệ nạn ma túy.

c) Tham mưu chính quyền địa phương chỉ đạo, bố trí người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã trong số cán bộ, công chức hoặc người hoạt động không chuyên trách, có nhóm thường trực bảo vệ trẻ em hoạt động hiệu quả và có chính sách hỗ trợ hoạt động; đầu tư xây dựng công trình phúc lợi, cung cấp dịch vụ xã hội cơ bản, dịch vụ bảo vệ trẻ em, điểm vui chơi, giải trí, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao cho trẻ em.

* Trong 6 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh phát hiện 32 vụ xâm hại tình dục trẻ em với 35 đối tượng phạm tội. So với cùng kỳ năm 2023, số vụ xâm hại tình dục trẻ em tăng 03 vụ, tính chất, mức độ các vụ xâm hại có xu hướng nghiêm trọng hơn, trong đó có một số vụ một trẻ em gái quan hệ tình dục với từ hai đối tượng trở lên.

Qua thống kê, theo dõi, các vụ xâm hại tình dục trẻ em xảy ra chủ yếu do sự tự nguyện giao cấu giữa nạn nhân và đối tượng. Nguyên nhân cơ bản của tình trạng này là do các nạn nhân là trẻ em gái đang trong giai đoạn phát triển nhân cách, tâm sinh lý, thể chất nhưng chưa nhận thức đầy đủ các vấn đề xã hội, đặc biệt là kiến thức về giới tính, tình dục, sinh sản, dễ bị tác động, chi phối bởi những trào lưu xã hội mới, có lối sống buông thả, không muốn bị ràng buộc bởi gia đình hay xã hội. Đa số đối tượng nam không nghề nghiệp hoặc lao động tự do, thích sử dụng mạng xã hội kết bạn hoặc đi chơi làm quen với trẻ em gái, sau đó phát sinh tình cảm yêu đương, rồi quan hệ tình dục với bạn gái. Vai trò của gia đình trong việc quản lý, giáo dục con cái bị xem nhẹ, nhất là những gia đình bố mẹ thiếu thời gian quan tâm đến tâm tư, suy nghĩ, tâm lý, lứa tuổi, để trẻ em gái tự do đi chơi, sử dụng mạng xã hội, kết bạn với những đối tượng nam ngoài xã hội; thậm chí có gia đình thiếu hiểu biết về pháp luật bảo vệ trẻ em còn đồng ý cho con gái tuổi vị thành niên sống chung như vợ chồng với đối tượng.

Bên cạnh đó còn có các nguyên nhân như: sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, internet, khiến việc tiếp xúc với các trang mạng xã hội, truy cập vào những trang "web đen" dễ dàng; sự du nhập văn hóa của các nước trên thế giới, trong đó có quan niệm dễ dãi về tình dục đã tác động vào tâm sinh lý của cả đối tượng phạm tội lẫn nạn nhân. Công tác tuyên truyền về hành vi xâm hại tình dục trẻ em dù được quan tâm thực hiện nhiều nhưng còn dàn trải, thiếu chiều sâu, chưa chú trọng vào các đối tượng cần được tuyên truyền, giáo dục (gia đình có trẻ em gái mới lớn, bỏ học đi làm sớm, cha mẹ đi làm ăn xa, bố mẹ ly hôn, mồ côi cha hoặc mẹ,...).

Thời gian tới, trong bối cảnh công tác quản lý nhà nước trên không gian mạng vẫn còn sơ hở, gây ảnh hưởng đến tâm sinh lý của cả trẻ em gái lẫn đối tượng; trẻ em được chăm sóc dinh dưỡng tốt có xu hướng phát triển về thể chất, tâm sinh lý sớm hơn; nhiều gia đình để các em tự do sử dụng internet, điện thoại di động, sử dụng mạng xã hội, tự do đi chơi kết bạn, yêu đương;... Tình hình tội phạm xâm hại tình dục trẻ em trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được dự báo sẽ còn diễn biến phức tạp.

(Nguồn: Công văn số 203/UBND-BCĐ138)

Tin mới hơn
Tin cũ hơn