Chi tiết tin

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chiến lược quốc gia Phòng chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn 2050 trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 2928/QĐUBND ngày 28/9/2021 của UBND tỉnh

Ngày 22 tháng 4 năm 2024, Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai ban hành văn bản số 20/QGPCTT về việc thực hiện chiến lược quốc gia Phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn 2050 và trên cơ sở đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh tại văn bản số 3364/SNN-PCTT ngày 11/6/2024, Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và địa phương như sau:

1. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, tiếp tục tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung của Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia Phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ban hành kèm theo Quyết định số 2928/QĐ-UBND ngày 28 tháng 9 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh.

2. Rà soát, điều chỉnh kế hoạch thực hiện Chiến lược hàng năm của cơ quan, đơn vị cho phù hợp với kế hoạch từng năm trong kế hoạch phát triển 5 năm của tỉnh, của ngành. Trong đó cần xác định cụ thể danh mục, thời gian hoàn thành, kinh phí thực hiện, ưu tiên các nhiệm vụ, chương trình, dự án đã được phê duyệt. 

3. Huy động các nguồn lực từ ngân sách Nhà nước, quỹ phòng, chống thiên tai và nguồn đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân; đồng thời lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào các kế hoạch, chương trình, dự án để thực hiện; trong đó ưu tiên bố trí kinh phí để tập trung thực hiện các nhiệm vụ: Hoàn thiện cơ chế, chính sách về phòng, chống thiên tai và liên quan đến phòng, chống thiên tai phù hợp với thực tiễn công tác phòng, chống thiên tai tại từng địa phương, từng đối tượng.

- Kiện toàn lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai các cấp, các ngành theo hướng tinh gọn, hiệu quả; đào tạo, cung cấp trang thiết bị, tập huấn cho lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn các cấp đảm bảo thực thi nhiệm vụ khi có yêu cầu. 

- Thông tin, truyền thông, phổ biến pháp luật cơ chế, chính sách về phòng, chống thiên tai; hướng dẫn kỹ năng phòng, chống thiên tai, nhất là kỹ năng ứng phó với tình huống thiên tai phức tạp cho các cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, cơ sở sản xuất, nhất là tại các vùng thường xuyên chịu tác động của thiên tai (bão, áp thấp nhiệt đới; ngập úng; lũ quét, sạt lở đất; sạt lở bờ sông, bờ biển).

- Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, đặc biệt là bão, áp thấp nhiệt đới khi vào gần bờ và lũ, lũ quét, sạt lở đất. 

- Chủ động di dời dân cư sinh sống thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai đến nơi an toàn (khu vực ven sông, suối, kênh, rạch, sười đồi núi có nguy cơ cao  xảy ra sạt lở đất, lũ quét; khu vực thấp trũng, ven biển thường xuyên bị ngập úng,chịu ảnh hưởng của bão;...).

- Tổ chức rà soát, diễn tập triển khai phương án ứng phó thiên tai, sơ tán dân cư khẩn cấp và khắc phục hậu quả thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ” đặc biệt là tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất.

 - Trang bị, lắp đặt hệ thống theo dõi, giám sát tại các trọng điểm xung yếu về phòng, chống thiên tai và hệ thống giám sát, bảo đảm thông tin liên lạc cho tàu cá. 

- Đầu tư, củng cố, nâng cấp cơ sở hạ tầng phòng, chống thiên tai và liên quan đến phòng, chống thiên tai, trong đó chú trọng hoàn thiện hệ thống đê điều; hồ đập; phòng, chống ngập úng, sạt lở bờ sông, bờ biển; khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão; cơ sở hạ tầng kết hợp sơ tán dân.

4. Kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc tổ chức thực hiện; định kỳ hàng năm (trước 31/12) đánh giá, báo cáo kết quả thực hiện gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo theo quy định./.

(Nguồn: Công văn số 8606/UBND-VP)

Tin mới hơn
Tin cũ hơn