Chi tiết tin

Kế hoạch Triển khai tiêm bổ sung vắc xin Bại liệt (IPV) trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu năm 2021

Nhằm tăng tỷ lệ miễn dịch phòng bệnh bại liệt trong cộng đồng, chủ động phòng ngừa dịch bệnh, bảo vệ thành quả thanh toán bệnh bại liệt; UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch Triển khai tiêm bổ sung vắc xin Bại liệt (IPV) trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu năm 2021.

Đối tượng được tiêm bù là trẻ sinh từ ngày 1/3/2016 đến ngày 28/2/2018 chưa được tiêm vắc xin IPV trong tiêm chủng thường xuyên (trừ trường hợp có bằng chứng đã tiêm ít nhất 01 mũi vắc xin phối hợp có thành phần bại liệt).

Theo Kế hoạch, từ ngày 10/8/2021 đến ngày 13/8/2021, công tác tiêm bổ sung vắc xin Bại liệt (IPV) sẽ được tổ chức thực hiện đồng loạt tại 82 Trạm Y tế xã, phường, thị trấn và Trung tâm Y tế huyện Côn Đảo. Ngày 16/8/2021 tiếp tục thực hiện tiêm vét, nếu vẫn còn sót đối tượng thì tiêm vét vào ngày tiêm chủng thường xuyên của tháng 8/2021. Dự kiến trong toàn tỉnh có khoảng 43.069 trẻ em được tiêm trong chiến dịch này.

Số buổi tiêm chủng, số đội tiêm tại mỗi điểm tiêm phụ thuộc vào số đối tượng trên địa bàn nhưng không quá 100 đối tượng/đội tiêm/buổi tiêm. Mỗi ngày không quá 200 đối tượng/đội tiêm.

Các cán bộ y tế có trách nhiệm xây dựng Kế hoạch thực hiện chiếm dịch tiêm chủng trên Hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng Quốc gia trước 03 đến 05 ngày; điều tra, lập danh sách đối tượng (bao gồm cả đối tượng vãng lai); đảm bảo không làm trùng đối tượng, không bỏ sót trẻ; đặc biệt chú ý những xã khó khăn, vùng sâu, vùng xa, xã/phường có tỷ lệ tiêm chủng thấp, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu nhà trọ, có dân nhập cư từ nơi khác đến...

Để đảm bảo tiêm chủng an toàn, quy trình tổ chức buổi tiêm chủng được thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định số 104/2016/NĐ-CP và Thông tư số 34/2018/TT-BYT; vắc xin và dung môi phải được bảo quản ở nhiệt độ +2oC đến +8oC, không được để đông băng lọ vắc xin; tiến hành khám sàng lọc trước tiêm chủng theo Quyết định số 2470/QĐ-BYT; theo dõi sau tiêm tại điểm tiêm chủng 30 phút; bố trí các đội cấp cứu lưu động tại các điểm tiêm chủng để phát hiện và xử trí kịp thời các phản ứng nặng sau tiêm chủng nếu có.

Tại Việt Nam, vắc xin phòng bệnh bại liệt (OPV) được triển khai trong chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR) từ năm 1985. Từ tháng 6/2016, Việt Nam thực hiện chuyển đổi sử dụng vắc xin uống bại liệt từ 3 tuýp (tOPV) thành 2 tuýp (bOPV gồm tuýp 1 và 3) trên toàn quốc cho trẻ 2, 3, 4 tháng tuổi. Đồng thời triển khai tiêm 1 mũi vắc xin bại liệt (IPV bao gồm tuýp 1, 2 và 3) cho trẻ 5 tháng tuổi trên toàn quốc từ tháng 9/2018.

Năm 2000, Việt Nam chính thức được công nhận đã thanh toán bệnh bại liệt (ca bệnh bại liệt cuối cùng được ghi nhận vào năm 1997). Trong suốt 20 năm qua, Việt Nam đã bảo vệ thành công thành quả trên. Tuy nhiên, Việt Nam đang đứng trước thách thức lớn về sự xâm nhập của các ca bại liệt trong khu vực và trên thế giới, nhất là trong bối cảnh giao lưu quốc tế và giao thông phát triển, tâm lý lo ngại về phản ứng sau tiêm chủng nên việc thực hiện tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em đạt trên 95% còn nhiều khó khăn... đòi hỏi Việt Nam cần phải tiếp tục duy trì tỷ lệ tiêm chủng vắc xin bại liệt cao ở tất cả các tuyến.

Nguồn: Kế hoạch số 100/KH-UBND

Tin mới hơn
Tin cũ hơn