Chi tiết tin

Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu giai đoạn 2021-2030.

Vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định Phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu giai đoạn 2021-2030.

Kế hoạch nhằm đảm bảo các quyền lợi và nghĩa vụ của người cao tuổi; nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần, sức khỏe và hoàn thiện chính sách trợ giúp xã hội hướng tới đảm bảo mức sống tối thiểu cho người cao tuổi; đặc biệt là chú trọng đến đối tượng người cao tuổi khuyết tật, người cao tuổi thuộc diện nghèo không có người phụng dưỡng, người cao tuổi dân tộc thiểu số… Bên cạnh đó, Kế hoạch cũng hướng đến mục tiêu phát huy tối đa tiềm năng, vai trò, kinh nghiệm, tri thức của người cao tuổi khi tham gia vào các hoạt động văn hóa, xã hội, giáo dục, việc làm, kinh tế, chính trị phù hợp với nguyện vọng, nhu cầu, khả năng.

Theo đó, trong giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh phấn đấu:

- Ít nhất 50% người cao tuổi có nhu cầu và khả năng lao động có việc làm; ít nhất 40 người cao tuổi được hỗ trợ hướng nghiệp, đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở trợ giúp xã hội, trung tâm dịch vụ việc làm; ít nhất 30 hộ gia đình có người cao tuổi có nhu cầu và đủ điều kiện được vay vốn khởi nghiệp, phát triển sản xuất, kinh doanh với lãi suất ưu đãi;

- Ít nhất 60% số xã, phường, thị trấn có các loại hình câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao của người cao tuổi, thu hút ít nhất 50% người cao tuổi tham gia luyện tập thể dục, thể thao, ít nhất 10% người cao tuổi tham gia văn hóa, văn nghệ;

- Ít nhất 50% số xã, phường, thị trấn có câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau hoặc các mô hình câu lạc bộ khác chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi, thu hút ít nhất 70% người cao tuổi trên địa bàn tham gia;

- Duy trì 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh có Quỹ chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi;

- 95% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế; ít nhất 90% người cao tuổi được chăm sóc sức khỏe ban đầu kịp thời, khám sức khỏe định kỳ, lập hồ sơ theo dõi sức khỏe; 100% người cao tuổi khi ốm đau, dịch bệnh được khám chữa bệnh và được hưởng sự chăm sóc của gia đình và cộng đồng;

- 70% bệnh viện đa khoa, bệnh viện chuyên khoa, bệnh viện y học cổ truyền có quy mô từ 50 giường bệnh trở lên tổ chức buồng khám bệnh riêng cho người cao tuổi tại khoa khám bệnh, bố trí giường bệnh điều trị nội trú cho người cao tuổi và ít nhất 01 bệnh viện đa khoa cấp tỉnh có khoa lão khoa;

- Hàng năm, ít nhất 80% người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật được tiếp cận các dịch vụ y tế dưới nhiều hình thức khác nhau; 70% người cao tuổi khuyết tật được sàng lọc, phát hiện các dạng khuyết tật và được can thiệp, phục hồi chức năng; ít nhất thường xuyên có 100 người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn, không có người phụng dưỡng được chăm sóc, phục hồi chức năng và trợ giúp phù hợp tại các cơ sở phục hồi chức năng và cơ sở trợ giúp xã hội;

- 95% người cao tuổi tâm thần nặng, người cao tuổi lang thang được tiếp nhận, chăm sóc, phục hồi chức năng tại các cơ sở trợ giúp xã hội;

- 100% người cao tuổi không phải sống trong nhà tạm, dột nát;

- 100% người cao tuổi nghèo, không có người phụng dưỡng được hưởng các chính sách trợ giúp xã hội theo quy định của pháp luật;

- Ít nhất 80% người cao tuổi có khó khăn về tài chính, bị bạo lực, bạo hành được cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật trợ giúp pháp lý khi có nhu cầu;

- Ít nhất 50% gia đình có người cao tuổi bị bệnh suy giảm trí nhớ, khuyết tật nặng và có vấn đề khó khăn khác có nhu cầu được tập huấn, hướng dẫn, nâng cao nhận thức, kỹ năng về chăm sóc, trợ giúp và phục hồi chức năng cho người cao tuổi;

- Ít nhất 80% các cơ quan Báo, Đài địa phương (cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã) có chuyên mục về người cao tuổi phát hành, truyền dẫn, phát sóng ít nhất 01 lần/tuần; ít nhất 50% người cao tuổi tiếp cận và sử dụng được các sản phẩm công nghệ thông tin, truyền thông.

Đến giai đoạn 2026-2030:

- Ít nhất 70% người cao tuổi có nhu cầu, khả năng lao động có việc làm; ít nhất 60 người cao tuổi được hỗ trợ hướng nghiệp, đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở trợ giúp xã hội, trung tâm dịch vụ việc làm; ít nhất 50 hộ gia đình có người cao tuổi có nhu cầu và đủ điều kiện được vay vốn khởi nghiệp, phát triển sản xuất, kinh doanh với lãi suất ưu đãi;

- Ít nhất 90% số xã, phường, thị trấn có các loại hình câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao của người cao tuổi, thu hút ít nhất 70% người cao tuổi tham gia luyện tập thể dục, thể thao, ít nhất 20% người cao tuổi tham gia văn hóa, văn nghệ;

- Ít nhất 80% số xã, phường, thị trấn có Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau hoặc các mô hình câu lạc bộ khác chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi, bảo đảm 70% người cao tuổi trên địa bàn tham gia;

- Duy trì 100% xã, phường, thị trấn có Quỹ chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi;

- 100% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế; 100% người cao tuổi được chăm sóc sức khỏe ban đầu kịp thời, khám sức khỏe định kỳ, lập hồ sơ theo dõi sức khỏe; 100% người cao tuổi khi ốm đau, dịch bệnh được khám chữa bệnh và được hưởng sự chăm sóc của gia đình và cộng đồng;

- 90% bệnh viện đa khoa, bệnh viện chuyên khoa, bệnh viện y học cổ truyền có quy mô từ 50 giường bệnh trở lên tổ chức buồng khám bệnh riêng cho người cao tuổi tại khoa khám bệnh, bố trí giường bệnh điều trị nội trú cho người cao tuổi và 100% các bệnh viện đa khoa có khoa lão khoa;

- Hàng năm, khoảng 90% người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật được tiếp cận các dịch vụ y tế dưới nhiều hình thức khác nhau; 80% người cao tuổi khuyết tật được sàng lọc, phát hiện các dạng khuyết tật và được can thiệp, phục hồi chức năng; khoảng 100 người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn, không có người phụng dưỡng được chăm sóc, phục hồi chức năng và trợ giúp phù hợp tại các cơ sở phục hồi chức năng và cơ sở trợ giúp xã hội;

- 100% người cao tuổi tâm thần nặng, người cao tuổi lang thang được tiếp nhận, chăm sóc, phục hồi chức năng tại các cơ sở trợ giúp xã hội;

- 100% người cao tuổi không phải sống trong nhà tạm, dột nát;

- 100% người cao tuổi nghèo, không có người phụng dưỡng được hưởng các chính sách trợ giúp xã hội theo quy định của pháp luật;

- Ít nhất 90% người cao tuổi có khó khăn về tài chính, bị bạo lực, bạo hành được cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật trợ giúp pháp lý khi có nhu cầu;

- Ít nhất 70% gia đình có người cao tuổi bị bệnh suy giảm trí nhớ, khuyết tật nặng và có vấn đề khó khăn khác được tập huấn, hướng dẫn, nâng cao nhận thức, kỹ năng về chăm sóc, trợ giúp và phục hồi chức năng cho người cao tuổi;

- 100% các cơ quan Báo, Đài tỉnh và địa phương có chuyên mục về người cao tuổi phát hành, truyền dẫn, phát sóng ít nhất 2 lần/tuần; ít nhất 80% người cao tuổi tiếp cận và sử dụng được các sản phẩm công nghệ thông tin, truyền thông.

Để đạt được các mục tiêu cụ thể như trên, Kế hoạch đã đưa ra 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cơ bản, bao gồm:

(1) Trợ giúp y tế, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi: Triển khai đầy đủ, kịp thời các chính sách pháp luật về chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng và các chính sách khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cho người cao tuổi.

(2) Phát triển mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội cung cấp dịch vụ chăm sóc, phục hồi chức năng đối với người cao tuổi.

(3) Trợ giúp giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm và hỗ trợ sinh kế, nhà ở cho người cao tuổi.

(4) Trợ giúp người cao tuổi tham gia hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch.

(5) Phát huy vai trò người cao tuổi: Vận động người cao tuổi tham gia các hoạt động kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội tại địa phương; phát huy trí tuệ, kinh nghiệm tích cực xây dựng gia đình, dòng họ, cộng đồng xã hội gắn kết, văn minh; phát triển phong trào già làng, trưởng bản, người cao tuổi có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số để xây dựng làng văn hóa, phát huy bản sắc dân tộc, xóa bỏ hủ tục lạc hậu.

(6) Trợ giúp người cao tuổi sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông: Duy trì, phát triển, nâng cấp các cổng, trang tin điện tử hỗ trợ người cao tuổi; Nghiên cứu phát triển các công nghệ, công cụ, sản xuất tài liệu phục vụ đào tạo người cao tuổi sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông phục vụ hoạt động học tập, giảng dạy, truyền nghề, sản xuất kinh doanh, phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày.

(7) Tăng cường thực hiện hoạt động trợ giúp pháp lý cho người cao tuổi.

(8) Xây dựng mô hình phòng chống dịch bệnh và giảm nhẹ thiên tai phù hợp với người cao tuổi; Triển khai ứng dụng công nghệ giúp người cao tuổi nhận thông tin cảnh báo sớm để ứng phó với dịch bệnh và thiên tai.

(9) Đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ công chức, viên chức và cộng tác viên làm công tác trợ giúp người cao tuổi.

(10) Tăng cường tuyên truyền, đa dạng hóa, đa phương hóa các hình thức truyền thông về người cao tuổi và vấn đề già hóa dân số.

(11) Xây dựng cơ sở dữ liệu về người cao tuổi: Tổ chức điều tra về người cao tuổi; cập nhật cơ sở dữ liệu vào hệ thống thông tin quản lý người cao tuổi quốc gia (nếu có).

(12) Hỗ trợ hoạt động đối với các tổ chức của người cao tuổi như: Hội Người cao tuổi, Ban Đại diện người cao tuổi các cấp. Phát triển Quỹ chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi; các mô hình câu lạc bộ; các phong trào chăm sóc phát huy vai trò người cao tuổi và phong trào tham gia xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan thường trực Ban công tác người cao tuổi tỉnh, chủ trì tổ chức thực hiện Kế hoạch.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên, đặc biệt là Ban đại diện Hội người cao tuổi tỉnh cùng các cơ quan liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình tham gia thực hiện Kế hoạch.

Trong đó, Ban đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh có trách nhiệm hướng dẫn, vận động, xây dựng mô hình cơ sở dưỡng lão, mô hình hỗ trợ người cao tuổi khởi nghiệp (nếu có); chủ trì, hướng dẫn các cấp hội triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch thực hiện Đề án “Nhân rộng mô hình câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau đến năm 2025”; củng cố, hướng dẫn phát triển Quỹ Chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi ở cơ sở; triển khai các hoạt động thiết thực, hiệu quả “Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam”; cuộc vận động “Toàn dân chăm sóc phụng dưỡng và phát huy vai trò người cao tuổi”; đẩy mạnh phong trào “Tuổi cao - Gương sáng”; tham gia, phối hợp với các sở, ngành, địa phương thực hiện Kế hoạch, giám sát việc thực hiện pháp luật đối với người cao tuổi; thực hiện và triển khai nhiệm vụ chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi.

Theo số liệu báo cáo của các huyện, thị xã, thành phố, đến cuối năm 2021 tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có 110.894 người cao tuổi (NCT), chiếm 9,3% so với tổng dân số toàn tỉnh. Trong đó có 1.888 người NCT là người dân tộc thiểu số; 740 NCT thuộc hộ nghèo theo chuẩn nghèo của tỉnh; 504 NCT thuộc hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo của tỉnh và 19.033 NCT từ 80 tuổi trở lên. Tổng số hội viên Hội người cao tuổi là 87.211 hội viên, trong đó hội viên đủ 60 tuổi trở lên là 85.583 người. Toàn tỉnh có 45.229 NCT hưởng trợ cấp hàng tháng, chiếm 40,78% so với tổng số NCT.

Trong giai đoạn 2012-2020, công tác chăm sóc sức khỏe, đời sống vật chất, tinh thần và thực hiện các chính sách đối với người cao tuổi luôn được lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các sở, ngành, chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện đầy đủ, kịp thời, cụ thể: có 45.370 lượt NCT tham gia khám sức khỏe định kỳ; 125.265 lượt NCT được tư vấn và khám sức khỏe, cấp thuốc miễn phí; 101.932 lượt NCT được hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng tại cộng đồng; 860 lượt NCT được nuôi dưỡng trong các cơ sở bảo trợ xã hội; 457 NCT được hỗ trợ sửa chữa nhà ở; 10/96 cơ sở kinh doanh vận tải thực hiện miễn giảm giá vé cho NCT với gần 23 triệu lượt NCT được miễn giảm giá vé; 472 cụ tròn 100 tuổi, 5.169 người tròn 90 tuổi và  68.358 cụ tròn 70, 75, 80, 85, 95 và trên 100 tuổi được UBND cấp xã chúc thọ, mừng thọ. Định kỳ hàng năm, các đơn vị, địa phương tổ chức các hoạt động hội diễn văn hóa, văn nghệ và hội thao dành cho NCT. Trong cả giai đoạn có hơn 3.000 lượt NCT tham gia hội thao của tỉnh và hội thao toàn quốc; 06 đợt liên hoan “Tiếng hát Người cao tuổi” thu hút 347 tiết mục của NCT tham gia...

Bên cạnh đó, công tác phát huy vai trò người cao tuổi cũng được các ngành chức năng quan tâm thực hiện. Toàn tỉnh có 18.202 NCT còn sức khỏe trực tiếp lao động sản xuất nâng cao đời sống gia đình góp phần đóng góp cho xã hội; 1.570 NCT làm chủ trang trại chủ sản xuất kinh doanh; 2.199 NCT làm kinh tế giỏi; 7.937 NCT tham gia công tác đảng, chính quyền, đoàn thể, tổ hòa giải, các hội ở khu phố thôn ấp; 82/82 Hội NCT thuộc các xã, phường, thị trấn có Quỹ chăm sóc và phát huy vai trò NCT.

Chương trình hành động quốc gia người cao tuổi giai đoạn 2012-2020 được triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả, cơ bản đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra: 100% xã, phường, thị trấn thành lập Quỹ chăm sóc và phát huy vai trò NCT; 100% NCT khi ốm đau được khám, chữa bệnh và được hưởng chăm sóc từ gia đình, cộng đồng; Cơ quan phát thanh, truyền hình cấp tỉnh và cấp huyện, cấp xã đã thường xuyên thực hiện bản tin, chuyên mục về NCT; 100% NCT thuộc diện bảo trợ xã hội được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, được cấp thẻ bảo hiểm y tế và hỗ trợ chi phí mai táng khi qua đời hoặc có nhu cầu được đưa vào Trung tâm bảo trợ xã hội của tỉnh để chăm sóc nuôi dưỡng; 100% NCT không phải sống trong nhà tạm, dột nát; 100% NCT trực tiếp sản xuất, kinh doanh được tạo điều kiện hỗ trợ hướng dẫn về sản xuất kinh doanh, phương tiện sản xuất, vay vốn phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm...

(Nguồn: Quyết định số 1885/QĐ-UBND)

Tin mới hơn
Tin cũ hơn