Chi tiết tin

Từ 00h ngày 16/10/2021: BR-VT áp dụng tạm thời một số biện pháp thích ứng an toàn nhằm kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 theo tinh thần Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ

Thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về việc Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”; trong khi chờ các Bộ, ngành Trung ương hướng dẫn triển khai thực hiện, để ổn định đời sống Nhân dân và các hoạt động kinh tế - xã hội của tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo áp dụng tạm thời một số biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 như sau:

Từ 00 giờ ngày 16/10/2021:

1. Quy định chung:

- Thực hiện nghiêm Thông điệp 5K của Bộ Y tế: “Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung đông người - Khai báo y tế”; mọi người có trách nhiệm khai báo y tế trung thực và chịu trách nhiệm nếu để lây lan dịch bệnh do khai báo không trung thực.

- Khi có một trong các biểu hiện sốt, ho, khó thở, mệt mỏi, đau họng, mất vị giác… phải liên hệ ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, không được tự ý mua thuốc chữa bệnh.

2. Việc di chuyển của người dân trong tỉnh:

Người dân được di chuyển giữa các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh, trừ những trường hợp đến/đi từ địa bàn có dịch ở cấp độ 3, cấp độ 4 hoặc cách ly y tế (vùng phong tỏa).

3. Đối với người từ địa phương khác vào tỉnh:

- Không phải xuất trình kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2.

- Thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định của Bộ Y tế.

- Thực hiện khai báo với Công an các xã, phường, thị trấn nơi cư trú/tạm trú hoặc bằng phần mềm PC-COVID, Sổ sức khỏe điện tử, phần mềm VNIED trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

- Trường hợp không lưu trú qua đêm thì không phải khai báo, hạn chế tối đa tiếp xúc với người xung quanh, hạn chế việc di chuyển nhiều địa điểm không cần thiết.

4. Thực hiện các biện pháp y tế đối với người từ các địa phương khác về tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu:

4.1. Thực hiện Công văn số 8718/BYT-DP ngày 15/10/2021 của Bộ Y tế. Chủ động theo dõi chặt chẽ người về từ các địa phương, khu vực có dịch COVID-19 vừa hết giãn cách, nhất là từ các địa phương có số mắc COVID-19 cao (như thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An…), thực hiện xét nghiệm, căn cứ tình hình thực tế để tổ chức cách ly phù hợp (cách ly tập trung hoặc cách ly tại nhà), theo dõi sức khỏe và áp dụng các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 theo quy định.

4.2. Đối với người ở các địa phương, khu vực có dịch ở cấp độ 4, cấp độ 3 (tương ứng với màu đỏ và màu cam trên bảng phân vùng dịch của Cổng Thông tin điện tử của Bộ Y tế) thì áp dụng cụ thể như sau:

     a) Người đã tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19 (thẻ xanh trên Sổ Sức khoẻ điện tử hoặc giấy chứng nhận tiêm đủ liều vắc xin của cơ quan có thẩm quyền cấp, mũi tiêm cuối cùng đã qua ít nhất 14 ngày) hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng tính đến thời điểm về tỉnh (có giấy ra viện/giấy xác nhận khỏi bệnh COVID-19): theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú trong 07 ngày kể từ ngày về địa phương; thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày thứ nhất; nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe như ho, sốt, khó thở, đau rát họng, mất vị giác thì báo cho cơ quan y tế để theo dõi và xử trí theo quy định.

     b) Người tiêm chưa đủ liều vắc xin phòng COVID-19 (thẻ vàng trên Sổ Sức khoẻ điện tử hoặc giấy chứng nhận tiêm chủng của cơ quan có thẩm quyền cấp): tự theo dõi sức khoẻ tại nhà, nơi lưu trú 07 ngày kể từ ngày về địa phương; tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong 07 ngày tiếp theo; thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày thứ nhất, ngày thứ 7 kể từ ngày về địa phương.

     c) Người chưa tiêm vắc xin phòng COVID-19: thực hiện cách ly tập trung 14 ngày kể từ ngày về địa phương; tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo; thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày thứ nhất, ngày thứ 7 và ngày thứ 14 kể từ ngày về địa phương.

     d) Người đã tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 hoặc khỏi bệnh Covid-19 tại nước ngoài thì việc kiểm tra và công nhận giấy chứng nhận tiêm chủng, giấy xác nhận khỏi bệnh COVID-19 hoặc các giấy tờ tương đương khác của nước ngoài theo hướng dẫn của Bộ Ngoại giao.

4.3. Đối với người trở về từ các địa phương có dịch ở cấp độ 2 (tương ứng với màu vàng trên bảng phân vùng trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Y tế) thì áp dụng cụ thể như sau:

     a) Người đã tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19 (thẻ xanh trên Sổ Sức khoẻ điện tử hoặc giấy chứng nhận tiêm đủ liều vắc xin của cơ quan có thẩm quyền cấp, mũi tiêm cuối cùng đã qua ít nhất 14 ngày) hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng tính đến thời điểm về địa phương (có giấy ra viện/giấy xác nhận khỏi bệnh COVID-19): tự theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú trong 14 ngày kể từ ngày về địa phương; nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe như ho, sốt, khó thở, đau rát họng, mất vị giác thì báo cho cơ quan y tế để theo dõi và xử trí theo quy định.

     b) Người chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vắc xin phòng COVID-19 phải thực hiện cách ly y tế tại nhà 07 ngày kể từ ngày về địa phương và hạn chế tiếp xúc, tự theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo; thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 02 lần vào ngày thứ nhất và ngày thứ 7 trong thời gian cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú. Nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe như ho, sốt, khó thở, đau rát họng, mất vị giác thì báo cho cơ quan y tế để theo dõi và xử trí theo quy định.

4.4. Đối với người cao tuổi, người có bệnh nền, phụ nữ mang thai, người dưới 18 tuổi (trẻ em): thực hiện cách ly tại nhà và có người chăm sóc cách ly cùng.

5. Đối với công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong giao thông vận tải:

- Lái xe và phụ xe vận chuyển hàng hóa phải tiêm ít nhất 01 mũi vắc xin phòng COVID-19.

- Vận tải hành khách tuyến cố định liên tỉnh: thực hiện theo Kế hoạch số 4149/KH-SGTVT ngày 12/10/2021 của Sở Giao thông vận tải.

- Vận chuyển hàng hóa thực hiện theo Công văn số 898/BYT-MT ngày 07/02/2021 của Bộ Y tế. Yêu cầu người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa: ghi chép lại hành trình vận chuyển, danh sách các trường hợp có tiếp xúc; đảm bảo thông thoáng phương tiện, thường xuyên mở cửa sổ phương tiện; hạn chế tiếp xúc với người khác; thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch (đeo khẩu trang trong suốt quá trình vận chuyển và bốc dỡ hàng hóa, sát khuẩn tay thường xuyên, khai báo y tế, khử khuẩn phương tiện vận chuyển hàng ngày,...).

- Chủ doanh nghiệp phải tổ chức thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 cho lái xe và phụ xe bằng phương pháp test nhanh kháng nguyên hoặc RT-PCR định kỳ 1 lần/tuần (trừ trường hợp đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin).

- Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức quản lý, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc phòng, chống dịch COVID-19 trong vận chuyển hàng hóa; giám sát y tế đối với người điều khiển phương tiện, phụ xe.

6. Đối với các cơ quan, công sở

- Tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch tại nơi làm việc.

- Thực hiện quản lý thông tin người vào/ra bằng mã QR.

- Người đứng đầu chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch và triển khai áp dụng phòng chống dịch theo quy định của Bộ Y tế.

7. Đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh:

- Quản lý người lao động ngoài tỉnh như quy định tại Mục 3 và 4 văn bản này.

- Các chuyên gia, tư vấn, quản lý doanh nghiệp, nhà đầu tư đến làm việc trong ngày phải đảm bảo tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19 (thẻ xanh trên sổ sức khỏe điện tử/PC-COVID hoặc giấy chứng nhận tiêm đủ liều vắc xin của cơ quan có thẩm quyền cấp, mũi tiêm cuối cùng đã qua ít nhất 14 ngày) và có giấy mời của nơi đến hoặc giấy giới thiệu của nơi đi.

- Định kỳ xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 theo hướng dẫn tại công văn số 8228/BYT-MT ngày 30/9/2021 của Bộ Y tế.

- Xây dựng phương án hoạt động đảm bảo công tác phòng, chống dịch của đơn vị theo hướng dẫn của Bộ Y tế, các Bộ, ngành trung ương.

- Tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng chống dịch tại nơi làm việc. Thực hiện quản lý thông tin người vào/ra bằng mã QR.

8. Các lĩnh vực, ngành nghề được phép hoạt động trở lại:

- Các dịch vụ ăn, uống không phục vụ tại chỗ, chỉ bán mang về.

- Các hoạt động dịch vụ sửa chữa, bảo trì các loại xe, máy móc, thiết bị dân dụng, công nghiệp, dịch vụ quản lý, vận hành, bảo trì, sửa chữa, ứng dụng hệ thống hạ tầng, trang thiết bị của các cơ quan, tòa nhà; cửa hàng tạp hóa, cửa hàng sách, thiết bị văn phòng, đồ dùng, dụng cụ học tập, công nghệ thông tin, thiết bị tin học, cửa hàng điện máy.

- Chợ truyền thống hoạt động phải đảm bảo đúng theo phương án phòng, chống dịch đã được phê duyệt.

- Dịch vụ cắt tóc, gội đầu: tập trung không quá 05 người cùng thời điểm.

- Các hoạt động thể dục thể thao trong nhà: tập trung không quá 10 người cùng thời điểm, người tham gia đã tiêm ít nhất 01 mũi vắc xin phòng COVID-19.

- Các hoạt động thể dục thể thao ngoài trời: tập trung không quá 20 người cùng thời điểm.

- Hoạt động tắm biển: đeo khẩu trang trước và sau khi tắm biển và thực hiện nghiêm biện pháp 5K.

- Lễ hiếu, hỉ, tang lễ: Thực hiện cần đơn giản, không tập trung quá 30 người.

- Hoạt động hội họp, sự kiện trong nhà: không tập trung quá 30 người trong một phòng, trừ trường hợp được Tỉnh ủy, UBND tỉnh cho phép.

9. Trách nhiệm của Chủ doanh nghiệp:

Chủ doanh nghiệp, cơ sở dịch vụ, sản xuất, kinh doanh được hoạt động phải có phương án, kế hoạch đảm bảo công tác phòng chống dịch tại đơn vị theo hướng dẫn của Bộ Y tế và Bộ ngành Trung ương; tuân thủ và chịu trách nhiệm theo quy định về công tác phòng chống dịch trong quá trình hoạt động.

10. Tổ chức thực hiện:

10.1. Trung tâm chỉ huy phòng, chống dịch tỉnh

Chủ trì chỉ đạo đôn đốc các sở, ngành, địa phương triển khai các nội dung được giao; xây dựng “Kế hoạch thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” với lộ trình cụ thể, khả thi, bảo đảm kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

10.2. Sở Y tế

- Chủ trì phối hợp với các Sở ngành, địa phương liên quan, tham mưu xây dựng “Kế hoạch thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” với lộ trình cụ thể, khả thi, bảo đảm kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

- Căn cứ bảng màu trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Y tế cập nhật, hướng dẫn các chốt, các địa phương áp dụng các biện pháp quản lý người đến từ vùng dịch và từ các địa phương khác.

- Chỉ đạo các đơn vị y tế trong ngành thực hiện xét nghiệm cho các đối tượng theo Quyết định số 4800/QĐ-BYT ngày 12/10/2021; Công văn số 8318/BYT-DP ngày 03/10/2021; Công văn số 8399/BYT-MT ngày 06/10/2021 và Công văn số 8718/BYT-DP ngày 15/10/2021 của Bộ Y tế; tiếp tục chỉ đạo việc xét nghiệm, tầm soát tại các khu vực có nguy cơ cao để kiểm soát nguy cơ lây lan dịch bệnh.

- Căn cứ vào hướng dẫn về các tiêu chí, phân loại, đánh giá cấp độ dịch và các biện pháp chuyên môn của Bộ Y tế để đánh giá cấp độ dịch và tình hình dịch trên địa bàn tỉnh.

- Tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở; đẩy nhanh tiến độ mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, đào tạo nhân lực đáp ứng với thu dung, cấp cứu và điều trị bệnh nhân.

- Triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 an toàn, hiệu quả, xây dựng lộ trình tiêm vắc xin cho trẻ em và tiêm tăng cường theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

- Tăng cường chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện 37 tiêu chí an toàn Bệnh viện trong phòng chống dịch tại các cơ sở khám chữa bệnh, đảm bảo an toàn cho bệnh viện trong tình huống nguy cơ dịch bệnh tiềm ẩn trong cộng đồng.

10.3. Sở Giao thông vận tải

- Rà soát, ban hành các hướng dẫn xây dựng kế hoạch hoạt động giao thông vận tải liên tỉnh, lưu thông hàng hóa, bảo đảm liên tục chuỗi cung ứng sản xuất, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

- Phổ biến hướng dẫn, giám sát việc thực hiện của các cảng biển, cảng thủy nội địa trong quản lý công nhân, người lao động và triển khai các hoạt động được nêu tại văn bản này.

- Hướng dẫn các hoạt động thi công các dự án, công trình giao thông, đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

10.4. Công an tỉnh

- Tiếp tục duy trì hoạt động của các Chốt kiểm soát ra, vào tỉnh, đảm bảo khoa học, hiệu quả. Giao Công an tỉnh xây dựng phương án, bố trí, trưng dụng tối đa lực lượng của Công an tỉnh và các lực lượng khác tham gia kiểm soát phương tiện và người ra vào tỉnh. Hướng dẫn người dân qua Chốt thực hiện khai báo y tế và di chuyển qua phần mềm VNIED trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (hoặc khai báo giấy tại Chốt kiểm soát) và đúng theo nội dung của văn bản này.

- Chuyển hoạt động các Chốt kiểm soát tại cấp xã, cấp huyện thành các tổ tuần tra lưu động để giám sát, hướng dẫn và kiểm tra việc đi lại, lưu trú, theo dõi sức khỏe của người dân, nhất là người dân từ tỉnh, thành phố khác về địa phương.

10.5. Ban Quản lý các khu Công nghiệp

- Phổ biến, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thuộc các khu công nghiệp.

- Yêu cầu các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tuyên truyền vận động, phối hợp với Ngành y tế tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho 100% công nhân, người lao động.

10.6. Sở Công thương

- Phổ biến, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong các cụm công nghiệp.

- Yêu cầu các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh tuyên truyền vận động, phối hợp với Ngành y tế tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho 100% công nhân, người lao động.

- Tổ chức kiểm tra, giám sát tình hình hoạt động của các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ truyền thống bảo đảm an toàn phòng chống dịch.

10.7. Sở Thông tin và Truyền thông

- Tăng cường tuyên truyền tạo đồng thuận, niềm tin xã hội; thúc đẩy tính tự giác, tích cực của người dân trong phòng chống dịch, hướng dẫn các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 nâng cao nhận thức của người dân trong tình hình mới.

- Hàng ngày cung cấp dữ liệu cho Công an tỉnh về danh sách người ngoài tỉnh khai báo di chuyển nội địa đến Bà Rịa - Vũng Tàu trên ứng dụng PC-COVID.

10.8. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương phổ biến hướng dẫn, giám sát việc thực hiện của các cảng cá, các hoạt động nông, lâm, ngư nghiệp đảm bảo cho công tác phòng chống dịch trong sản xuất kinh doanh.

10.9. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh

Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát các tuyến, luồng đường thủy ra, vào tỉnh.

10.10. Sở Văn hóa và Thể thao

Tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động văn hóa, thể thao bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19.

10.11. UBND các huyện, thị xã, thành phố

- Xây dựng, tổ chức thực hiện “Kế hoạch thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” với lộ trình cụ thể, khả thi, bảo đảm kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

- Tổ chức hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với diễn biến dịch tại từng địa bàn.

- Thực hiện các hướng dẫn của Sở Y tế đối với việc xét nghiệm, cách ly, theo dõi y tế người đến từ vùng dịch và các địa phương khác.

- Tăng cường công tác đôn đốc, kiểm tra việc chấp hành các biện pháp phòng chống dịch của người cách ly tại nhà/nơi lưu trú, người đến từ địa phương khác và phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về các hoạt động này.

- Tổ chức thẩm định phương án hoạt động của chợ truyền thống đảm bảo quy định về phòng chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế.

10.12. Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố

- Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ được giao, nêu cao trách nhiệm, cảnh giác cao, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là và tăng cường kêu gọi người dân tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, tự giác, trách nhiệm, nghiêm chỉnh chấp hành tốt biện pháp 5K; quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch có hiệu quả.

- Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, công trường, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, các cơ sở sản xuất kinh doanh, bảo đảm an toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn.

- Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 của các cơ sở kinh doanh dịch vụ được phép hoạt động trên địa bàn và buộc dừng hoạt động nếu không thực hiện đúng, đầy đủ quy định. Đồng thời đề nghị người dân:

     + Tiếp tục hạn chế ra khỏi nhà khi không cần thiết; tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, tự giác, trách nhiệm, nghiêm chỉnh chấp hành tốt quy định 5K trong công tác phòng, chống dịch.

     + Tích cực tham gia công tác phòng, chống dịch tại cơ sở, cùng với lực lượng tuyến đầu quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch có hiệu quả đã thực hiện từ trước đến nay.

     + Tuyên truyền vận động người thân, gia đình và mọi người xung quanh cùng đồng thuận, đồng lòng thực hiện tốt quy định về phòng chống dịch, tự bảo vệ sức khỏe cho bản thân, người thân gia đình, cộng đồng xã hội.

     + Thường xuyên lau rửa nhà cửa để giữ thông thoáng, sinh hoạt lành mạnh.

    + Sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin (PC-COVID, Sổ Sức khỏe điện tử, VNEID,..) để khai báo y tế, đăng ký tiêm chủng vắc xin, sử dụng mã QR cá nhân trên các ứng dụng này khai báo vào/ra tại các địa điểm công cộng.

Nguồn: Công văn số 15467/UBND-VP
Công văn số 15473/UBND-VP

Tin mới hơn
Tin cũ hơn