Chi tiết tin

Tăng cường công tác quản lý nhà nước và tiếp tục thực hiện chương trình hành động quốc gia đã cam kết với UNESCO

UBND tỉnh vừa ban hành văn bản đề nghị Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện, đảm bảo nội dung theo yêu cầu của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Công văn số 3094/BVHTTDL-DSVH về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước và tiếp tục thực hiện chương trình hành động quốc gia đã cam kết với UNESCO.

Tại Công văn nêu trên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận định, thời gian qua, hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể được ghi danh vào các danh sách của UNESCO cơ bản đã tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam về di sản văn hóa, Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể và cam kết của Việt Nam đối với UNESCO, đạt được một số kết quả tích cực. Nhiều địa phương đã xây dựng và triển khai các đề án, dự án ở các giai đoạn khác nhau, giúp cho di sản được bảo vệ, thực hành tốt hơn và có những đóng góp vào đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của cộng đồng. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đó, di sản vẫn đang đứng trước nguy cơ mai một, vẫn còn tình trạng thực hành sai lệch di sản, một số địa phương chưa xây dựng đề án bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn. Có nơi, công tác quản lý nhà nước đối với các di sản này còn chưa thực sự được quan tâm.

Do đó, nhằm tăng cường, có hiệu quả công tác quản lý nhà nước và tiếp tục thực hiện Chương trình hành động quốc gia do Chính phủ đã cam kết với UNESCO, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề nghị các tỉnh, thành phố có di sản văn hóa phi vật thể đã được ghi danh vào các danh sách của UNESCO tăng cường công tác quản lý nhà nước và tiếp tục triển khai các nội dung của Chương trình hành động quốc gia đối với từng di sản văn hóa phi vật thể mà Việt Nam đã cam kết với UNESCO; cụ thể như sau:

1. Tiếp tục nhận diện giá trị, nghiên cứu, kiểm kê, tư liệu hóa di sản;

2. Tạo mọi điều kiện cho cộng đồng thực hành, sáng tạo và truyền dạy di sản; tăng cường các hình thức giáo dục di sản phù hợp trong và ngoài trường học;

3. Tôn vinh, khen thưởng các cá nhân, cộng đồng có nhiều đóng góp trong việc gìn giữ, thực hành, truyền dạy, bảo vệ và phát huy giá trị di sản;

4. Phối hợp với các cơ quan truyền thông, các hội nghề nghiệp tổ chức các chương trình giới thiệu, quảng bá về giá trị di sản;

5. Thực hiện các biện pháp quản lý nhà nước để di sản văn hóa được thực hành đúng nội dung, không gian văn hóa của di sản, đồng thời ngăn ngừa, loại bỏ các hủ tục và xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng di sản để trục lợi, làm sai lệch bản chất di sản và có tác động tiêu cực tới đời sống cộng đồng, xã hội; xử lý kịp thời, nghiêm minh các hiện tượng lợi dụng danh hiệu của di sản, lợi dụng niềm tin của nhân dân để trục lợi, kiếm tiền, làm ảnh hưởng đến đời sống tâm linh, tinh thần của cộng đồng, đặc biệt là ảnh hưởng đến sự đa dạng văn hoá và sự đối thoại văn hoá giữa các cộng đồng.

Bộ cũng khẳng định sẽ tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn và đồng hành cùng các địa phương thực hiện tốt các Chương trình hành động quốc gia; đồng thời đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố có di sản xây dựng đề án chi tiết cho giai đoạn tiếp theo nhằm cụ thể hóa những nội dung của các Chương trình hành động quốc gia để các di sản đã được ghi danh tại các Danh sách của UNESCO tiếp tục có những đóng góp tích cực vào đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước và sự đa dạng văn hóa của nhân loại.

Với di sản văn hóa phi vật thể "Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ", Bà Rịa - Vũng Tàu là một trong các tỉnh, thành phố có di sản được ghi danh vào các danh sách của UNESCO.

Tính đến nay, Việt Nam đã có 13 di sản văn hóa phi vật thể phân bố ở 61 tỉnh, thành phố trong cả nước được ghi danh vào các danh sách của UNESCO gồm: (1) Nhã nhạc - Nhạc cung đình Triều Nguyễn, (2) Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, (3) Dân ca Quan họ, (4) Hát Ca Trù của người Việt, (5) Hội Gióng ở Đền Sóc và Đền Phù Đổng, (6) Hát Xoan ở Phú Thọ, (7) Tín ngưỡng Thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ, (8) Nghệ thuật Đờn ca Tài tử Nam Bộ, (9) Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, (10) Nghi lễ và trò chơi Kéo co, (11) Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt, (12) Nghệ thuật Bài chòi ở Trung bộ, (13) Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái. Các di sản văn hóa phi vật thể này đều được bảo vệ theo Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể.

Nguồn: Công văn số 13169/UBND-VP

Tin mới hơn
Tin cũ hơn