Chi tiết tin

Hội thảo lấy ý kiến đối với Đề án “Phát triển tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thành trung tâm kinh tế biển quốc gia”

Sáng nay (15/4), tại TP. Vũng Tàu, UBND tỉnh đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến đối với Đề án “Phát triển tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thành trung tâm kinh tế biển quốc gia”.

Tham dự Hội thảo có ông Nguyễn Văn Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh, ông Mai Ngọc Thuận - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành TW, các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ và đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh.

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Xây dựng và ban hành Đề án “Phát triển tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thành trung tâm kinh tế biển quốc gia” là một trong các nhiệm vụ quan trọng của tỉnh BR-VT nhằm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07/10/2022 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 154/NQ-CP ngày 23/11/2022 của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là những chủ trương, chính sách lớn với các giải pháp toàn diện thể hiện rất rõ tinh thần đổi mới, quyết tâm của Bộ Chính trị trong việc tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ, có tính đột phá trong việc phát triển vùng Đông Nam Bộ, để Vùng tiếp tục giữ vững vị trí là đầu tàu kinh tế của cả nước.

Hội thảo lần này nhằm huy động sự đóng góp ý tưởng và sáng kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các đại biểu trong việc nhận diện những vấn đề thực tiễn và đề xuất các ý tưởng, giải pháp về phát triển kinh tế biển của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu trong thời kỳ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; qua đó tạo tiền đề cho công tác xây dựng và phác thảo Đề án nêu trên.

Chuyên gia quy hoạch TSKH.KTS Ngô Viết Nam Sơn trình bày tham luận tại Hội nghị

Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã tập trung thảo luận xoay quanh các chủ đề: (1) Nhận diện các tiềm năng, lợi thế của tỉnh BR-VT trong việc trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia của Vùng và Việt Nam; (2) Các giải pháp và chính sách nhằm khai thác tiềm năng và phát huy lợi thế của du lịch biển tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.; (3) Phát triển các ngành dịch vụ cảng biển, vận tải và logistics BR-VT trở thành một trong các trụ cột của mô hình trung tâm kinh tế biển quốc gia tỉnh BR-VT; (4) Phát triển công nghiệp ven biển tỉnh BR-VT theo hướng hiệu quả và bền vững; (5) Phát triển ngành nuôi trồng và khai thác thủy sản tỉnh BR-VT theo hướng năng suất và bền vững; Phát triển tỉnh BR-VT trở thành đô thị biển xanh hiện đại, văn minh và đáng sống; (7) Phát triển ngành công nghiệp khai thác dầu khí và hóa dầu theo hướng năng suất và bền vững; (8) Phát triển ngành năng lượng tái tạo dựa trên lợi thế biển; (9) Bảo vệ môi trường biển, đa dạng sinh học biển; (10) Đào tạo nhân lực cho các ngành kinh tế biển; (11) Phát triển khoa học công nghệ biển; (12) Vai trò liên kết vùng trong phát triển mô hình kinh tế biển tỉnh BR-VT.

Ông Nguyễn Văn Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu bế mạc Hội thảo

Kết thúc Hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thọ thay mặt lãnh đạo tỉnh cùng các sở, ban ngành gửi lời cảm ơn trân trọng đến các ý kiến tâm huyết, của các chuyên gia, nhà khoa học dành cho BR-VT. Ông nhận định, dây là những ý kiến với những góc nhìn khác nhau đối với tiềm năng, lợi thế và định hướng để phát triển tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thành trung tâm kinh tế biển quốc gia; qua đó giúp Tỉnh nhận diện đầy đủ, rõ nét hơn trong quá trình xây dựng dự thảo Đề án “Phát triển tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thành trung tâm kinh tế biển quốc gia”. Do đó, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Tổ biên tập, đơn vị tư vấn tổng hợp nghiêm túc tiếp thu các ý kiến được nêu tại Hội thảo để khẩn trương hoàn thiện Đề án, trình các cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt theo đúng kế hoạch đề ra.

BR-VT hiện có 05 ngành kinh tế biển cơ bản, bao gồm: (1) Du lịch biển; (2) Cảng biển và dịch vụ logistics cảng biển; (3) Công nghiệp khai thác dầu khí; (4) Công nghiệp và khu công nghiệp ven biển; (5) Nuôi trồng và khai thác thủy sản.

Trong đó, BR-VT có điều kiện thuận lợi và tiềm năng lớn trong phát triển cảng biển với 53 cảng đang khai thác (tổng chiều dài bến cảng 19,4km; tổng công suất gần 180 triệu tấn/năm); 22 kho bãi và logistics chuyên dùng với tổng diện tích 256 ha. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, các cảng biển trên địa bàn tỉnh có sự phân mảnh lớn nên cầu tàu ngắn và nhỏ làm giảm hiệu quả của cảng; hoạt động của các kho bãi cũng còn manh mún, quy mô nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu; vẫn chưa có trung tâm logistics đúng nghĩa, chưa có cảng cạn, các kho ngoại quan hay các khu phi thuế quan… Nhìn chung, BR-VT cần có chính sách liên kết, sáp nhập các bến cảng để đạt quy mô lớn hơn BR-VT; đồng thời chú trọng phát triển dịch vụ logistics tương xứng.

Trong ngành công nghiệp khai thác dầu khí, BR-VT có vai trò quan trọng hàng đầu, được xem là cái nôi của ngành. Bên cạnh những thành quả đã đạt được trong những giai đoạn trước, ngành dầu khí cũng đang gặp không ít khó khăn, thách thức do trữ lượng dầu khí vùng gần bờ đã dần cạn kiệt, ảnh hưởng đến khả năng khai thác lâu dài.

Trong lĩnh vực du lịch, trước đại dịch Covid-19, ngành du lịch của BR-VT trực tiếp và gián tiếp đóng góp gần 9.000 tỷ đồng vào GRDP của tỉnh. Tuy nhiên, lượng khách du lịch đến BR-VT chủ yếu vẫn là khách nội địa; lượng khách quốc tế còn khiêm tốn, chỉ đạt 500 ngàn lượt trước thời điểm bùng phát dịch Covid-19, giảm mạnh trong giai đoạn 2020-2021 nhưng đã bắt đầu phục hồi trở lại trong năm 2022.

Về phát triển công nghiệp ven biển, trên địa bàn tỉnh hiện có 13 khu công nghiệp đang hoạt động và 2 khu công nghiệp chuẩn bị đầu tư. Các KCN này đều nằm ở những khu vực gần biển, có lợi thế tiếp cận cảng biển thuận tiện nhằm thu hút đầu tư. Nhận thức được nguy cơ xả thải gây ô nhiễm môi trường nên BR-VT luôn xác định thu hút đầu tư có chọn lọc gắn với bảo vệ môi trường, nhất là môi trường biển.

Ngoài các ngành kinh tế biển hiện có, BR-VT cũng thực hiện chủ trương phát triển năng lượng tái tạo với 07 dự án điện mặt trời nối lưới đã được đưa vào vận hành thương mại, có tổng công suất là 288MWp; đồng thời đang xem xét chủ trương đầu tư dự án điện gió công suất 102,6MW.

Thùy Dương

Tin mới hơn
Tin cũ hơn